Cỏ mạch cho mèo còn được gọi là cỏ lúa mì, tiểu mạch thảo. Là một sản phẩm đang dần trở nên phổ biến với các sen nuôi chó mèo.
Bởi giá thành tuy rẻ nhưng lại đi cùng những giá trị về dinh dưỡng và sức khoẻ vượt trội.
Vậy cỏ lúa mì có tác dụng gì, chế độ cho mèo ăn như nào, cùng Gia Đình Pet tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Tác Dụng Của Cỏ Lúa Mì Cho Mèo
Xử lý búi lông cục trong ruột mèo: bé mèo nhà bạn thường xuyên liếm lông trên cơ thể để vệ sinh, lông không thể tiêu hóa được sẽ chuyển xuống dạ dạy và có thể hình thành cuộn lông.
Ăn cỏ lúa mì sẽ giúp bé mèo khạc nhổ, loại bỏ cuộn lông ra ngoài trước khi nó có thể trở thành nguy hiểm.
Cuộn lông có thể gây tắc ruột ở mèo và trường hợp này thường phải được phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Cung cấp vitamin dưỡng chất cho mèo: Cho mèo của bạn ăn cỏ lúa mì sẽ giúp các bé có nhiều dưỡng chất và vitamin, mà các bé mèo không có được từ thức ăn tự nấu hay thức ăn hạt.
Hỗ trợ chăm sóc da lông cho mèo: Mèo dễ bị các tình trạng khác nhau về da do dị ứng. Cỏ lúa mì không chỉ giúp làm dịu những triệu chứng về da mà còn chống rận cho mèo.
Cỏ lúa mì có tác dụng đẩy lùi côn trùng tốt hơn thuốc. Ngoài ra, ăn cỏ lúa mì cũng giúp bộ lông của bé mèo nhà bạn sáng bóng và mịn mượt hơn.
Chữa chứng đầy hơi ở mèo: Mèo hay bị đầy hơi, một trong những nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống của chúng.
Ngoài ra, chứng đầy hơi ở mèo cũng có thể do stress. Cỏ lúa mì giúp mèo thư giãn và tránh khỏi tình trạng căng thẳng, một trong những lý do gây ra chứng rối loạn dạ dày.
Bổ sung Axit folic: Giống như sữa mẹ, nước từ cỏ lúa mì chứa nhiều axit folic. Đây là loại vitamin cần thiết cho các chức năng và hỗ trợ cơ thể mèo sản xuất hemoglobin, một loại protein giúp đẩy mạnh quá trình tuần hoàn máu.
Giúp mèo dừng việc nhai cây hoa cảnh trong nhà: Vì thiếu chất xơ, các bé mèo thường chọn nhai các loại cây cảnh trong nhà hoặc cỏ vườn để có được các dưỡng chất và chất xơ hỗ trợ tiêu hóa.
Các loại cây, cỏ này có thể chứa các chất hoá học ĐỘC HẠI cho các bé mèo, trong khi cỏ lúa mì an toàn cả bên ngoài và cả các dưỡng chất bên trong cho bé.
Bổ sung chất xơ: chất xơ giúp cho việc tiêu hóa của các bé mèo luôn dễ dàng và khỏe mạnh, đồng thời, khi mèo ăn cỏ, phản ứng nôn sẽ giúp đẩy các chất không tiêu hóa được trước đó như xương cá đi ra ngoài.
Cách Trồng Cỏ Lúa Mì
Bước 1: Ngâm hạt giống
Rửa hạt, chà xát nhẹ tay để hạt sạch hơn rồi ngâm hạt trong nước sạch. Nước ấm khoảng 40 độ C từ 6-8 tiếng, nước lạnh thì từ 8-12 tiếng. Lượng nước gấp đôi lượng hạt vì hạt sẽ nở ra.
Bước 2: Ủ hạt
Đổ hạt đã ngâm ra rổ rồi đợi ráo nước. Sau đó vẫn để hạt trong rổ, đặt rổ ở nơi tối thì sẽ nảy mầm nhanh hơn.
Nên phủ một lớp giấy ăn hoặc khăn ướt lên hạt rồi tưới đẫm nước ngày 2-3 lần.
Mục đích là cung cấp đủ độ ấm cho hạt nảy mầm và khi xịt nước sẽ hạn chế nấm mốc khi gieo trồng. Khoảng 1 ngày hạt bắt đầu nhú mầm và có rễ thì sang bước 3.
Bước 3: Gieo hạt giống
Trải 2 đến 3 lớp giấy sạch xuống khay rồi dùng bình tưới phun ướt, để giấy không bị xô lệch.
Rải hạt vào khay thật đều và khít nhau. Dùng bình phun tưới đẫm nước đều cả khay trồng, nên dùng giấy báo hoặc vải đen đậy lại tránh ánh sáng, cây sẽ nhanh phát triển hơn.
Khi nào cây mọc được 1–2 cm thì không cần che đậy, để cây lấy ánh sáng quang hợp.
Bước 4: Tưới và thu hoạch
Cỏ lúa mì phát triển rất nhanh và cần phun nước đều đặn 2-3 lần hàng ngày.
Lưu ý tưới đẫm nước nhưng tránh gây úng ngập cho hạt giống, chỉ sử dụng nước sạch để trồng không bón thêm bất cứ thành phần gì để trồng.
Có thể thu hoạch sau 6-15 ngày từ lúc gieo hạt vào khay. Cắt phần thân cỏ lúa mì cách rễ từ 0,5 –1 cm, và rửa sạch rồi chế biến thành nước ép để sử dụng.